Chi tiết tin

Bưu điện Văn hóa xã hoạt động cầm chừng

Các dịch vụ tiện ích của điểm BĐVHX còn nghèo nàn nên chưa thực sự là điểm đến của người dân trong vùng.

Hiệu quả thấp

Tuy chỉ cách thị xã Bắc Kạn chừng 20 km, nhưng điểm BĐVHX Nông Thượng (thị xã Bắc Kạn) rất vắng vẻ. Dù phòng giao dịch khá sạch sẽ, thoáng đẵng, nhưng theo quan sát của chúng tôi, cơ sở vật chất đã xuống cấp và lâu ngày chưa đầu tư, tủ sách và báo chí phủ nhiều bụi. Chị Vi Mai Ngọc, nhân viên tại điểm Bưu  điện văn hóa xã Nông Thượng cho biết: “Điểm BĐVHX này chỉ đông vào giờ tan học, nhiều em học sinh vào gọi điện hoặc mua thẻ di động. Người dân thỉnh thoảng cũng có người đến mua tem, gửi thư, gọi điện. Bình quân doanh thu từ hoạt động bưu chính khoảng 1 triệu đồng/tháng”. Để tăng thu nhập, chị Ngọc còn bán bảo hiểm xe máy, bảo hiểm nhân thọ, huy động tiền gửi tiết kiệm bưu điện… Hiện lương của chị Ngọc chỉ là 650.000 đồng/tháng; nếu làm tốt các dịch vụ thì thu nhập khá hơn. Hiện tại điểm BĐVHX xã Nông Thượng có 2 người: Người trực tại điểm và người đưa thu báo. Từ tháng 10 trở đi, do nhân viên đưa thư báo nghỉ nên chị sẽ kiêm luôn vừa trực tại điểm BĐVHX vừa đi đưa thư báo.

Về thực trạng đáng buồn này tại các BĐVHX, ông Hứa Đình Thuyên, Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: BĐVHX đa phần được xây từ năm 1998, đến nay xuống cấp,tường bị tróc; tủ bàn hỏng rất nhiều. Việc đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất khó khăn vì chưa có nguồn kinh phí. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 105 điểm BĐVHX và phần lớn đểu trong tình trạng như điểm BĐVHX Nông Thượng. 


Vấn đề không chỉ của ngành bưu điện

Ông Hoàng Văn Nghị, Giám đốc bưu điện huyện Ba Bể (Bắc Kạn) cho biết: “Ngoài bưu cục trung tâm, chúng tôi có 13 điểm BĐVHX, hầu hết đều nằm trung tâm xã, gần trụ sở UBND xã. Hiện nhân viên tuyến BĐVHX chúng tôi ký hợp đồng thời vụ 1 năm/lần. Trước đây, điểm BĐVHX có 2 người, nay do lượng người gửi thư ít nên chúng tôi gộp công việc lại giao cho 1 người. Do gộp công việc nên nhân viên cơ sở phải sắp xếp bố trí giờ làm hiệu quả, mở cửa điểm BĐVHX theo giờ hành chính. Buổi sáng khi tuyến thư báo đến, nhân viên bưu điện ở đó nhận xong, rồi vào số. Đến đầu giờ chiều, nhân viên bưu điện đi tới trụ sở UBND xã và thôn bản phát báo, tài liệu kết hợp thu tiền điện thoại hoặc bảo hiểm. Với mức lương cứng của ngành quy định trả hiện nay khi gộp công việc giao lại cho 1 người, thu nhập khoảng 1,3 triệu/tháng, nhìn chung là thấp. Chính vì vậy, chúng tôi đồng ý cho các nhân viên tại điểm BĐVHX làm các loại hình dịch vụ bưu điện cho phép để tăng doanh thu như bán bảo hiểm xe máy, sim thẻ; địa điểm gần chợ, trung tâm bán hàng tạp hóa, hàng sạch, để họ có thêm thu nhập, có doanh thu và tăng thu nhập. Bên cạnh đó, để BĐVHX thành điểm đến văn hóa của bà con, chúng tôi mời người dân đến đọc sách báo, trao đổi kinh nghiệm, họp thôn, chi bộ.Để thu hút người dân đến với BĐVHX, tôi kiến nghị nối internet và trang bị máy tính tại đây mới thu hút học sinh, có vậy mới khai thác hiệu quả một số dịch vụ”.

Còn ông Hứa Đình Thuyên cho biết: “Hiện chúng tôi chủ trương kết hợp việc chuyển phát và trực tại điểm BĐVHX vào làm một để nâng cao thu nhập. Ý tưởng này xuất phát từ cách làm của tỉnh Hòa Bình và chúng tôi nhận thấy việc này phù hợp nên áp dụng. Tại các điểm BĐVHX, chúng tôi đề ra cơ chế như cho phép bán bảo hiểm, sim thẻ, tham gia vận động bà con tham gia dịch vụ tài chính thêm hoa hồng. Thực sự tôi thấy thu nhập quá thấp, chỉ có hơn 1 triệu đồng/tháng mà đưa thư báo đúng giờ, đường xá đi lại miền núi khó khăn thì thực sự chỉ yêu nghề mới lại làm công việc này. Tôi đã kiến nghị với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn, muốn duy trì BĐVHX cần sự chung tay của cacs ban ngành và chính quyền địa phương. Để thực sự thành điểm đến văn hóa, tôi cũng chỉ đạo các điểm BĐVHX tận dụng mặt bằng tạo điều kiện cho người dân trong thôn đến họp không thu phí, làm như vậy để khai thác tốt nhất tài sản Nhà nước đã đầu tư. Với các loại hình dịch vụ công đang triển khai thí điểm, hy vọng sẽ nâng dần mức thu nhập của nhân viên BĐVHX”.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Bưu chính Việt Nam cũng cho rằng: Hiện toàn quốc có khoảng 8.000 điểm BĐVHX và việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVHX đang là vấn đề không chỉ riêng của ngành bưu chính mà cần sự chung tay của cac ban ngành hữu quan.

Anh Phạm Thái (làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình): Trước đây, người dân vùng nông thôn thường đến BĐVHX gọi điện thoại, sử dụng các dịch vụ bưu chính và đọc sách báo. Nhưng  nay điện thoại di động với giá cước khá rẻ, internet ở vùng nông thôn đồng bằng cũng đã phổ biến, trong khi sách bao tại BĐVHX cần có nhiều dịch vụ tiện ích hơn thì mới thu hút người dân.

Chị Cẩm Nhung, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam: Để nâng cao hiệu quả hoạt động BĐVHX, bên cạnh các dịch vụ lõi như chuyển phát thư, nhân viên tại các điểm BĐVHX cũng sẽ được tập huấn tham gia vào các dịch vụ công mà ngành đang triển khai thí điểm như chi trả BĐVHX, lương hưu hàng tháng qua hệ thống bưu điện, chuyển phát hồ sơ tuyển sinh đại học, cao đẳng… Ngoài ra có thể tham gia các dịch vụ như tiết kiệm bưu điện, bán báo hiểm.


Cần có cơ chế hỗ trợ hoạt động điểm BĐVHX

Làm thế nào để các điểm BĐVHX phát huy được vai trò trong quá trình xây dựng nông thôn mới? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Triệu Đức Lân (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn xung quanh vấn đề này:

 

Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt đọng của các điểm BĐVHX hiện nay?

Ngành bưu điện và tuyến BĐVHX trên địa bàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, các sự kiện lớn như chuyển phát thư báo, tài liệu an toàn; địa điểm nào cũng có thư báo trong ngày. Tinh thần phục vụ nhân dân tốt, khẩn trương. Tuy nhiên, khi tách hoạt động bưu chính và viễn thông, bưu điện Bắc Kạn gặp khó khăn hơn trong sản xuất kinh doanh do địa bàn rộng, ít dân, đời sống còn thấp và dân trí chưa cao và nhu cầu dịch vụ ít. Vấn đề này ảnh hưởng không ít tới các điểm BĐVHX. 

BĐVHX xuất phát điểm không chỉ là điểm để cung cấp thông tin báo chí mà là chỗ liên lạc điện thoại. Vai trò của các BĐVHX như thời ban đầu  giờ không còn nữa, bởi bây giờ, nếu có việc cần có thể bấm di động do vậy  BĐVHX phải chuyển đổi mới tồn tại.


Cần có những giải pháp nào để các điểm BĐVHX hoạt động tốt hơn, thưa ông?

Theo tôi, về mặt pháp lý chúng ta thiếu trong việc đưa ra các chế độ hỗ trợ. Tại tỉnh miền núi như Bắc Kạn, điểm BĐVHX làm dịch vụ công và công tác chính trị trên địa bàn; trong đó có việc địa điểm đặt tù sách pháp luật tại cơ sở. Chúng tôi có để án trình HĐND tỉnh có cơ chế hỗ trợ đội ngũ này vì làm công tác chính trị trên đại bàn nhưng khi đưa ra, cơ quan tham mưu về luật cho rằng không có quy định nào để làm. Để duy trì các điểm BĐVHX hoạt động tốt hơn thì Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam cần có kiến nghị lên Chính phủ để có quy định pháp lý hỗ trợ và các địa phương căn cứ vào đó để làm. Do chưa có văn bản  hướng dẫn quy định trách nhiệm của địa phương thế nào nên muốn giúp cũng chưa biết giúp như thế nào.

Tuy nhiên, các điểm BĐVHX nên nhớ thêm các dịch vụ công để tranh thủ nguồn nhân lực có như trả lương hưu qua bưu điện với ngành lao động thương binh xã hội chi trả trợ cấp. 

Tôi cho rằng BĐVHX có thể phát huy vai trò trong nông thôn mới ở khía cạnh nhiệm vụ, là đầu mối thông tin phục vụ xây dựng nông thôn mới ở hai chiều, cung cấp thông tin từ cơ sở như mô hình sáng tạo trên toàn quốc về địa phương để lãnh đạo có thể so sánh.

Do chưa có cơ chế phối hợp trong khi các điểm BĐVHX thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam quản lý nên ngay cả UBND  xã có việc không dám nhờ. Do đó cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ thì các địa phương mới có sự hỗ trợ cụ thể. Một trong số đó là triển khai thêm các dịch vụ công, vừa kinh doanh, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. 


Xin cám ơn ông!

HỖ TRỢ ONLINE
0212.2210468
Đăng Nhập
Email đăng nhập
Mật khẩu
Nhớ mật khẩu
Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

1

Hôm nay:

30

Hôm qua:

25

Tổng số lượt truy cập:

298069